Previous slide
Next slide

Văn hóa rượu bia cần hình thành từ văn hóa gia đình

Tôi không phải là người có tửu lượng tốt nhưng luôn tự hào với con cháu rằng mình chưa bao giờ say rượu, bia.

Với tôi say rượu, bia là khi bản thân không thể làm chủ được hành vi, không ý thức được những gì đang diễn ra. Những trường hợp uống rượu, bia tới tầm rồi đi ngủ, không lè nhè hay gây ảnh hưởng tới người khác thì có thể chấp nhận được.

Gần 40 năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi không nhớ hết bản thân đã đi bao nhiêu chuyến công tác. Mỗi chuyến đi như thế thì uống rượu, bia là điều không tránh khỏi. Có những nơi không uống rượu, bia thì không thể ra việc. Cũng có chuyện người ta ngại nói với nhau, nhưng khi rượu vào là lời ra. Tôi nhớ có lần đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, anh em trong đấy mến khách vô cùng. Văn hóa uống rượu tại vùng miền này cũng khác. Cả mâm anh em chung nhau một chén rượu. Cứ người này uống hết lại chuyển chén xoay vòng để người khác rót rượu uống. Cứ như thế, nếu anh không uống rượu thì người khác sẽ ngồi đợi cho đến khi uống thì thôi. Lúc đó, nếu từ chối không khéo thì rất dễ gây mất lòng nhau, bị hiểu nhầm là không hòa đồng. Hay lần mới vào ngành, tôi có chuyến đi thực tế trên Tây Bắc, gia đình học sinh bảo uống rượu trước rồi vào công việc sau. Nếu không uống rượu thì khó có thể hỏi chuyện họ chứ đừng nói đến việc khảo sát và hoàn thành nhiệm vụ. Tôi luôn có một quan điểm, khi mới vào mâm cứ hết mình với mọi người trước. Khi rượu bia đến tầm, tôi chủ động xin phép rút lui.

Văn hóa rượu bia cần hình thành từ văn hóa gia đình
Biếm họa của MINH NGỌC.

Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám. Rượu gắn với bạn hiền, vần thơ và cả những lời thề ước. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì “chén rượu là đầu cuộc vui”. Đôi khi “nâng chén tiêu sầu”, rượu giúp con người vơi đi nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện uống rượu, bia như thế nào, uống vào thời điểm nào, uống ra làm sao… dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Người ta quan niệm cứ bạn bè gặp nhau là nhậu, là phải say mà không biết được những hệ lụy phía sau. Tôi biết nhiều người không thích rượu, thậm chí bình thường còn ghét rượu, không bao giờ uống rượu một mình. Nhưng khi gặp bạn bè thì lúc nào cũng hết mình, cũng say. Đó là tâm lý, con người ta quan niệm vui hay buồn đều phải có rượu. Hiếm khi có bạn bè lâu ngày gặp lại rủ nhau đi uống nước ngọt, đa phần là phải rượu, bia.

Ngày nay, rượu, bia đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Thanh, thiếu niên là một giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển về thể chất, tinh thần. Các hormone dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, xã hội của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi. Các nghiên cứu khoa học đều chứng minh rượu, bia quá đà có thể làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung của não bộ. Như vậy, về hậu quả trước mắt, uống rượu, bia gây ra các hành vi nguy cơ ở thanh, thiếu niên như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, tai nạn, chấn thương khi điều khiển phương tiện giao thông… Còn về lâu dài thì uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mãn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành. Tôi nhớ vào năm 2015, một nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân cho thấy: Tội phạm hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy, những người bắt đầu uống rượu, bia trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến rượu, bia cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; nguy cơ có hành vi bạo lực sau khi uống rượu, bia cao gấp 6 lần; nguy cơ gây tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, gây chấn thương cao gấp gần 5 lần.

Đối với thanh thiếu niên, tôi cho rằng cái gì càng cấm thì càng gây tò mò, thậm chí gây ra những suy nghĩ lệch lạc. Khi còn là du học sinh tại xứ dạch dương, tôi đã từng nghe câu chuyện thế này: Chính phủ Liên Xô (trước đây) đã từng ban hành lệnh cấm sản xuất rượu. Thế nhưng, lệnh cấm đó không những không làm giảm tỷ lệ uống rượu trong người dân mà còn tạo nên một loại tội phạm mới là buôn rượu giả. Được biết, việc đối phó với tình trạng nghiện rượu trong dân chúng tại Nga được kiểm soát từ năm 2009, khi chính phủ khẩn cấp áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng nghiện rượu. Các giải pháp chủ yếu bao gồm: Cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm rượu; đẩy mạnh cuộc chiến chống sản xuất và buôn bán rượu giả; tăng thuế mạnh với các mặt hàng rượu; áp mức giá tối thiểu bán buôn đối với vodka; cấm bán rượu tại các địa điểm gần trường học, trung tâm vui chơi giải trí, bệnh viện… Từ ví dụ trên cho thấy, cái gì càng cấm càng không hiệu quả. Chúng ta cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia; cùng với đó là những chế tài mạnh phạt những tội phạm liên quan đến rượu, bia.

Để giảm tình trạng uống rượu, bia đối với học sinh, sinh viên thì cần có sự chung tay phối hợp của xã hội, nhà trường và gia đình. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi đã đi vào cuộc sống và dần có những tác động tích cực. Trong thời gian tới, việc thực thi luật này cần phải được đẩy mạnh, cần có thêm những chế tài đủ mạnh liên quan đến tội phạm rượu, bia. Đối với nhà trường, cần có những nội quy cụ thể liên quan đến rượu, bia. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rượu, bia thông qua những buổi sinh hoạt, các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa uống rượu. Về phía gia đình, việc giáo dục cho các em hiểu được tác hại của rượu, bia lại càng quan trọng. Tôi rất không đồng tình việc nhiều ông bố thường nhờ con nhỏ của mình đi mua rượu, bia. Hay có những ông bố, bà mẹ khi uống bia cũng cho con thử một chút và cứ nghĩ như thế sẽ không gây hại gì. Điều này dần dần sẽ tạo nên một hệ lụy xấu với con trẻ. Một đứa trẻ sẽ có nhận thức về rượu, bia ra sao khi bố của chúng suốt ngày say xỉn, chửi bới mọi người? Rượu, bia rất dễ dẫn đến bạo hành, hôn nhân đổ vỡ rồi đủ các tác hại khôn lường. Muốn con trẻ tránh xa những tác hại của rượu, bia thì trước hết người lớn cần phải làm gương. Mỗi gia đình cần sớm có những “gia quy” về việc uống rượu, bia sao cho phù hợp và không quá đà. Rượu, bia cũng có những lợi ích nhất định của nó nếu được sử dụng phù hợp, đúng thời điểm và không được lạm dụng. Ngoài ra, phụ huynh cần phải đồng hành với con trẻ, giải thích cho chúng hiểu được những tác hại khôn lường của rượu, bia đối với sức khỏe, sự phát triển thể chất và trí tuệ sau này.

Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước, vậy nên các em phải sớm được trang bị những kiến thức xã hội mà trong đó là nhìn nhận một cách đúng đắn về rượu, bia. Uống rượu, bia sao cho đúng, trách nhiệm sau mỗi lần cầm ly là điều mà thế hệ trẻ cần biết và phải biết, như một hành trang để bước vào đời. Muốn có được điều đó thì văn hóa rượu, bia phải cần được hình thành sớm từ văn hóa mỗi gia đình.

 GS, TSKH LÂM QUANG THIỆP, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bài liên quan

Tin cùng chuyên mục

Bài mới nhất