Bác sĩ Lương Quốc Bình, Phó Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết chương trình triển khai tại 11 cơ sở y tế công lập và tư nhân, gồm Bệnh viện TP Thủ Đức, các trung tâm y tế quận 1, 4, 7, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, các phòng khám Alo Health, An Hảo, Thành Danh, Galant.
Chương trình dự kiến diễn ra đến ngày 30/4/2023, kinh phí do các dự án tài trợ. Hoạt động này được kỳ vọng giúp người dân giảm thời gian đi lại và chờ đợi, được cấp phát thuốc miễn phí sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển. Cơ sở y tế giảm công việc hành chính, kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc như Covid-19… nhờ khám và kê đơn trực tuyến, tăng độ bao phủ và số lượng người dùng dịch vụ.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, 6 tháng đầu năm, thành phố phát hiện hơn 2.700 ca nhiễm HIV, chủ yếu người không có hộ khẩu TP HCM, và hơn 1/4 trong số họ tuổi dưới 22, tức độ tuổi học sinh sinh viên. Nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm. Đặc biệt, 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
TP HCM là một trong 7 tỉnh thành được Cục Phòng chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoàn thành Mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong nửa đầu năm nay, mục tiêu là 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình, thành phố đạt được 94%. Mục tiêu thứ hai là 95% tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm được điều trị thuốc kháng virus HIV, thành phố đạt được 91%. Ở mục tiêu 95% tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, thành phố đạt được 99%.
Công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai thí điểm tại TP HCM từ tháng 3/2017, đến nay mở rộng ở 33 cơ sở y tế công và tư. Hơn 23.000 người nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV đã tham gia điều trị, trong đó nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 83%.
“Thành phố triển khai thêm giải pháp điều trị từ xa để phù hợp với tình hình mới, hướng đến việc hỗ trợ khách hàng nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ thuận lợi”, ông Hưng nói. Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân HIV nói chung và người đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng đã không tiếp cận được các cơ sở y tế. Đồng thời, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử trong cộng đồng, dẫn đến tình trạng ngại đến trực tiếp các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm.
Tiến sĩ Đoàn Thị Thùy Linh, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho rằng đây là bước tiến mới trong các dịch vụ PrEP, đảm bảo thuận tiện cho người dân, góp phần chấm dứt đại dịch AIDS năm 2030. Cục sẽ triển khai thí điểm chương trình này tại 7 tỉnh thành phố với 20 cơ sở điều trị, trong đó TP HCM chiếm hơn một nửa số cơ sở. Dự kiến, sau một năm thí điểm, Cục đánh giá lại, chỉnh sửa nội dung, quy trình phù hợp để trình Bộ Y tế mở rộng tại tất cả cơ sở y tế cả nước.
Dự phòng trước phơi nhiễm cho phép những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao được dự phòng lây bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc. Bộ Y tế khuyến cáo dùng PrEP cho các nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm chưa điều trị thuốc ARV hoặc điều trị ARV song tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus. Ngưỡng này được tính là hơn 200 bản sao virus trong một ml máu.
Người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm), được khuyến cáo nên đến cơ sở cung cấp PrEP.
(Theo Lê Phương – Vnexpress)