Người ‘cõng sách’ đi muôn nơi
“Có sách nào viết về cách chữa bệnh ung thư không, thưa cô?”, cô Hoàng Thị Thu Hiền (sinh năm 1962, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Trưởng ban Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học), lặng người khi nghe cô bé bị bệnh ung thư hỏi như vậy.
Trẻ con cũng cần sớm được biết về những kiến thức y khoa thường thức, một ý tưởng chợt lóe lên trong suy nghĩ của cô Hiền.
“Trong thời gian tới, phải cố gắng hơn nữa, càng làm phong phú hơn nữa nội dung cho Dự án Sách, đó là mong muốn của tôi”, giọng cô Hiền đầy phấn khởi.
Tránh “đánh rơi” văn hóa đọc
Khi được hỏi Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học (Dự án Sách) ra đời từ cơ duyên nào, cô Hiền cười: “Với khát vọng thắp sáng ước mơ cho học sinh; tránh “đánh rơi” văn hóa đọc”.
Cô Thu Hiền giao lưu với học sinh H.Tánh Linh (Bình Thuận)
CAO MINH TÈO |
Cô Hiền nhớ lại, chậm rãi kể: “Trận lũ lịch sử giữa tháng 10.2016 khiến bao thôn xóm trên khắp Quảng Bình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người lẫn của. Nhiều đoàn cứu trợ đến đây, nhưng chủ yếu họ ủng hộ quần áo, lương thực thực phẩm và nhiều thứ thiết yếu khác, còn mình thì nghĩ ngay đến sách”.
Trao đổi với lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Bình, cô Hiền được biết học sinh ở đây đang cần sách, đặc biệt là sách tham khảo. Và cô đã đến và trao tặng sách ở các điểm trường tại hai huyện Hương Khê, Tuyên Hóa, từ hơn 100 triệu đồng tiền vận động đóng góp. Cô Hiền kể nhìn thầy cô giáo đội mưa đến nhận sách và đi về giữa biển nước mênh mông, cô thấy thương dễ sợ và đó cũng là động lực giúp cô không biết mệt mỏi trong hành trình cõng sách đi khắp nơi.
Sau 5 năm hoạt động, Dự án Sách của cô Hiền đã có mặt tại 79 huyện thuộc 27 tỉnh, thành trong cả nước, từ Cà Mau đến Hà Giang, đến cả huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Tính theo số lượng, sách đã lên đến 449.250 đầu sách và tạp chí cho học sinh cùng với 2.000 trường tiểu học thụ hưởng dự án này. Riêng TP.HCM, H.Củ Chi có 43 trường, H.Cần Giờ có 27 trường tiểu học thụ hưởng sách của Dự án.
Cô Hiền kể đã đến Đakrông (Quảng Trị) khi trời đổ mưa tầm tã, đến Nam Trà My (Quảng Nam) trên con đường nhỏ nhiều đoạn đầy sình lầy, mọi người phải xuống xe khuân đá lấp đường để xe chạy qua… Có khi đoạn đường chỉ có 12 km mà đi mất những 2 tiếng, bởi cứ vài trăm mét lại có một chỗ sạt lở. “Tiêu chí của bọn tôi, mệt không than, đau không nói. Lấy tiếng hát để cổ vũ tinh thần đồng đội. Và nụ cười là bài thuốc động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, đi đến nơi về đến chốn”, cô Thu Hiền khẳng khái nói.
Không chỉ dành riêng cho học sinh tiểu học, cô Hiền bật mí thêm các thành viên của Dự án Sách đã có những suy nghĩ về sự phát triển của Dự án trong tương lai theo hướng bài bản và bền bỉ. Ngoài ra, nếu xin được tài trợ, thì các bản làng xa xôi có nhà văn hóa, có thể xây dựng một thư viện nho nhỏ cho nhà văn hóa đó. Bên cạnh đó, Dự án còn trang bị đèn năng lượng mặt trời cho các nhà văn hóa, ủng hộ quần áo đồng phục, áo ấm, xe đạp cho học sinh…
Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Dự án còn trao cả học bổng. Tính đến nay, Dự án Sách đã trao tổng số tiền lên đến hơn 265 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không dừng ở đó, Dự án còn hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho bà con vùng cao, vùng bão lũ và TP.HCM trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
“Hồi mới thành lập, tôi cứ nghĩ đi được vài ba chuyến, xem như đã thành công lắm rồi. Thế nhưng khi thành lập và tiến hành thì thành quả vượt xa mong đợi. Ngồi đếm lại, tính trung bình mỗi năm Dự án đi được 15 chuyến”, cô Hiền khiêm tốn cho biết.
Từ tình yêu sách, muốn lan tỏa tri thức từ sách đến với các em nhỏ, nên cứ mỗi lần thực hiện xong một chương trình, cô Hiền có thêm kỷ niệm đẹp từ Dự án Sách để kể cho bạn bè.
Một chuyến cõng sách đến Vị Xuyên (Hà Giang) của cô Thu Hiền |
Ngọn lửa bền bỉ
Ở những vùng sâu, vùng xa của cả nước, ngoài những trường học được Tổ chức Room to Read tài trợ, theo cô Hiền, thì hầu như thiếu sách, nếu có thì sách quá cũ, sách không phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Có những nơi được trao tặng sách, nhưng rồi sau bão lũ cả ngôi trường bị nước cuốn trôi, tất nhiên là sách cũng bị cuốn phăng theo dòng nước, vậy là công sức của bao người xem như mất trắng.
“Với chúng tôi, không chỉ mang sách đến cho học sinh, hỗ trợ quản lý sách mà còn phải truyền cảm hứng đọc sách đến thầy cô và cả các em học sinh… Truyền ngọn lửa đọc sách bền bỉ đến với thầy cô bằng một tinh thần trách nhiệm, tránh làm kiểu phong trào, kiểu mì ăn liền”, cô Hiền khẳng định.
Dự án Sách hay cho học sinh tiểu học như một món lời tri thức xứng đáng dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi, nhất là thiệt thòi về sách – phương tiện mở rộng tâm hồn, đặt người đọc trước những câu hỏi về cuộc sống, bằng cái tâm của người giáo chức mang tên Hoàng Thị Thu Hiền cùng với 20 cộng sự.
Dự án còn chọn các dòng sách khoa học tự nhiên – môi trường, sách văn học, sách về danh nhân, kỹ năng sống…; thậm chí có cả sách y học thường thức để tặng các trường học nhằm giúp các em học sinh tiếp cận với khoa học, văn hóa, lịch sử… ngay từ bé.
Chúng tôi hỏi: “Cô đã làm việc trong ngành giáo dục được bao nhiêu năm?”, cô Hiền cười phúc hậu: “Tôi làm việc trong ngành giáo dục được 35 năm”. “Cô hiểu học sinh tiểu học cần những thể loại sách gì?”. “Tất nhiên là tôi hiểu về điều này. Và tôi cũng hiểu rõ giáo dục hiện nay đang cần gì. Bản thân tôi là người yêu sách, cũng hiểu được vai trò, giá trị to lớn của sách”, cô Hiền trải lòng.
Khi được hỏi về mong muốn của cô hiện nay, cô Hiền cho hay chỉ mong làm sao có thật nhiều sách hay cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa. Và cô Hiền mong xây dựng được hệ thống thư viện ở tất cả các trường học của 63 tỉnh thành, cô muốn đi đến từng nơi để lấp đầy sách hay, sách mới, đúng đối tượng cho các thư viện của trường để biến trang sách thành trang đời, tránh sách chất vào kho lưu trữ.
Và điều mong muốn lớn nhất của cô Hiền hiện nay là kinh phí. Mong muốn các nhà tài trợ từ các tập đoàn kinh tế luôn chủ động kinh phí phân bổ sách đến tất cả các tỉnh, thành. Có như vậy, văn hóa đọc mới được “nổi lửa” thật sự ở những vùng sâu, vùng xa của cả nước.
Ngoài lương hưu, cô Hiền còn làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo, dạy bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đi thi học sinh giỏi. Số tiền có được, cô gom cả vào công việc “cõng sách” đi khắp nơi. Không đủ tiền, cô tìm đến những nhà tài trợ, nhà làm sách. May thay, Dự án Sách của cô nhận được sự đồng hành từ nhiều đơn vị tài trợ, có được sự kết nối và ủng hộ từ phía Hội Xuất bản VN, NXB Kim Đồng, Tập đoàn Giáo dục IGC, Quỹ Tâm nguyện Việt… cùng một số cơ sở giáo dục ở TP.HCM đóng góp.
Với nhiều người, nghỉ hưu là khoảng thời gian sống sum vầy bên con cháu, thực hiện những ước mơ chưa làm được. Với cô Hoàng Thị Thu Hiền, người nổi tiếng với bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT năm 2016, đã dành toàn bộ thời gian, công sức, tiền của, cùng các cộng sự góp phần nâng cao văn hóa đọc với khát vọng thắp sáng ước mơ, neo giữ tri thức và năng lượng tử tế trong tâm hồn các em học sinh.
Nguồn: thanhnien