Đại diện gia đình nghệ sĩ Vũ Linh cho biết sẽ tu sửa mộ phần bị đám đông giẫm đạp của Thanh Kim Huệ.
Hôm 11/3, ca sĩ Hồng Phượng – cháu gái Vũ Linh – cho biết gia đình không lường trước được việc nhiều người dân, streamer leo lên mộ phần của cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ để theo dõi lễ hạ huyệt của “ông hoàng cải lương tuồng cổ”, diễn ra hai ngày trước tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. “Gia đình tôi sẽ tu sửa phần hư hỏng trên mộ phần của cô Thanh Kim Huệ. Chúng tôi xin lỗi và mong được thông cảm”, Hồng Phượng nói.
Trước đó, NSND Thanh Điền cho biết ông trăn trở suốt nhiều ngày khi mộ của vợ ông – Thanh Kim Huệ, nằm cạnh nơi an táng Vũ Linh – bị đám đông giẫm đạp, các chậu cảnh xung quanh vỡ nát. “Vì lo lắng vấn đề này sẽ xảy ra nên gia đình tôi cũng có mặt tại hoa viên từ sáng sớm để quan sát, dọn dẹp gọn gàng. Tôi nhận thấy một số khán giả có mang theo bánh, trái cây và cả hoa hồng mà Huệ thích để bày tỏ lòng yêu mến. Nhưng cũng không tránh khỏi việc mộ bị giẫm nát. Nhiều người chen lấn, cố leo lên khiến một phần trên mái mộ bị gãy. Chậu cây xung quanh bể vụn, hoa bật gốc. Tôi rất đau lòng và xót xa khi thấy mộ phần của Thanh Kim Huệ trở nên xơ xác”, Thanh Điền nói.
Thanh Điền cho biết ông lên tiếng không để trách khán giả mà chỉ muốn mọi người biết để tránh mắc phải sai lầm tương tự.
Nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời tại nhà riêng vào 12h30 ngày 5/3, sau thời gian điều trị ung thư, hưởng thọ 65 tuổi. Ngày 9/3, linh cữu cố nghệ sĩ được an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, hàng nghìn người dân có mặt theo dõi lễ hạ huyệt. Việc đám đông leo trèo lên phần mộ của những người đã khuất để livestream, quay hình gây bức xúc.
Nghệ sĩ Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn, xuất thân trong gia đình nghèo khó, việc học hành dang dở. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Năm 1972, ông theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ lưu diễn các tỉnh. Một thời gian sau, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, được nghệ sĩ Diệu Hiền, Trương Ánh Loan nhận làm đệ tử. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm về nghệ thuật ca diễn tuồng cổ.
Năm 1981, ông trở về TP HCM, lần đầu xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Thập niên 1990, Vũ Linh kết hợp với Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ “thanh mai trúc mã”, được đông đảo khán giả ngưỡng mộ. Họ cùng nhau ghi dấu trong các vở Xử án Bàng Quý Phi (Tống Nhơn Tôn và Bàng Quý Phi), Trảm Trịnh Ân (Triệu Khuông Dẫn và Hàn Tố Mai), Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ (Tiết Ứng Luông và Thần Nữ), Thái Tử Đan giả gái (Thái Tử Đan và Vũ Tuyết Nương).
Thanh Kim Huệ sinh năm 1954 tại TP HCM. Năm 13 tuổi, bà vào đoàn Kim Chung rồi ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam, thành công với vở tuồng Lan và Điệp. Bà tiếp tục thành công với ba bài tân cổ Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng nghệ sĩ Minh Vương. Giọng ca thanh thoát, giàu cảm xúc của bà ghi dấu ấn qua các tác phẩm như Chợ Mới, Rước tình về với quê hương, Đám cưới trên đường quê… Bà kết hợp hài hòa, ăn ý với nhiều nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Tấn Tài, Trọng Hữu, Thanh Tuấn… Thanh Kim Huệ qua đời hồi tháng 12/2021 vì ung thư.
Thiên Anh