Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến cha, người ta luôn nói công cha như núi Thái Sơn. Bố trong ấn tượng của chúng ta là người đàn ông ít nói nhưng lại rất tình cảm, tuy nghiêm khắc nhưng lại bao dung. Tuy bố không thể hiện ra tình yêu thương của mình bằng lời nói nhưng ở mỗi hành động mà bố làm cho con, cũng khiến con biết rằng bố yêu con rất nhiều.
Bố mẹ luôn là người yêu thương con cái vô điều kiện dù cho hoàn cảnh sống có ra sao. (Ảnh minh họa: James Quang)
Có lẽ, chỉ ở những phút giây chuẩn bị phải xa gia đình, bước sang một trang mới trên con đường đi tìm tri thức, thì chúng ta mới cảm nhận được những hành động nhỏ nhưng tuyệt vời của bố. Câu chuyện dưới đây của một cậu sinh viên năm nhất cùng bố cũng như vậy.
Theo một bài đăng được lan truyền trên mạng xã hội, người bố cùng cậu con trai mới nhập học đang đứng dưới sân trường. Nhìn hình ảnh người bố với chiếc áo sơ mi đã cũ, chiếc quần bạc màu cùng đôi dép tổ ong chân chất nhưng vẫn đứng đếm từng đồng tiền rồi nhẹ nhàng dúi vào túi quần cậu con trai, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Sự tần tảo, hy sinh của bố không chỉ thể hiện bằng hành động mà còn qua câu nói: “Ráng học nghe con….bố mẹ lo được”.
Đôi tay gầy gò rám nắng của bố tỉ mỉ đếm từng đồng tiền dành dụm suốt bao lâu nay. (Ảnh: UTE TV)
Trong khoảnh khắc đó, cậu con trai có vẻ như vẫn khá ngượng ngùng, không biết phải phản ứng ra sao nên chỉ giả vờ nhìn chăm chú vào điện thoại. Không phải chàng trai không thương cha, thậm chí cậu rất thương nhưng có lẽ cậu không dám nhìn đôi bàn tay gầy gò của cha đếm từng đồng tiền mồ hôi nước mắt để cho mình được ăn học đàng hoàng.
Người bố dúi tiền vào túi quần của con với hy vọng con sẽ được bằng bạn bằng bè, ăn học thành tài. (Ảnh: UTE TV)
Nhiều độc giả sau khi chứng kiến khoảnh khắc cảm động trên đã không kìm được mà rưng rưng. Với mỗi người con, khi được nhập học, cảm xúc của chúng ta sẽ bị chi phối bởi nhiều điều khác nhau mà quên để ý đến bố mẹ. Nhưng với bố mẹ, thứ họ lo lắng chỉ là liệu con sống xa nhà có thể vững chãi hay không mà thôi.
“Vẫn nhớ lần đầu bố đưa mình lên nhập học, cũng y như này vậy. Bố đã đồng hành cùng mình suốt 10 năm xa nhà. Nhớ quá!”
“Tại sao chúng ta phải cố gắng đến thế? Vì mình khổ một, thì bố mẹ mình khổ mười. Vì mình có ước mơ, còn bố mẹ mình đang gánh cả ước mơ của mình trên vai”
“Thương bố mẹ vất vả nên lắm lúc nghĩ muốn đi làm để đỡ đần. Nhưng bố mẹ cũng thương mình muốn cho mình đi học cho bằng bạn bằng bè, để sau này không phải vất vả như bố mẹ”
“Cố lên! Tốc độ thành công phải nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ”