Tối 13-12, các đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII đã được xem vở kịch đầu tay của Lưu Quang Vũ viết về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng, do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng.
Đêm diễn 13-12 đã để lại nhiều xúc động trong lòng khán giả. Dự kiến, Sống mãi tuổi 17 sẽ đến với các bạn học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên cả nước qua các chuyến lưu diễn trong năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung ương Đoàn.
Vở kịch về người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng tưởng là một đề tài tuyên truyền lý tưởng cách mạng khô khan, nhưng tài hoa của Lưu Quang Vũ đã mang đến một kịch bản hấp dẫn, nhiều lớp lang, nhiều xung đột kịch để khắc họa chân dung nhân vật sinh động, từ nhân vật chính tới nhân vật phụ đều có tính cách và số phận.
Từ một kịch bản tốt, NSƯT Sĩ Tiến – giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, trong vai trò đạo diễn – đã dựng lên một vở kịch hấp dẫn bởi sự chỉn chu, từ diễn xuất của diễn viên, thiết kế sân khấu tới âm nhạc và những nhịp dựng thắt mở nhiều cảm xúc.
Có những đoạn, đạo diễn đẩy cảm xúc của người xem bằng lối dựng của điện ảnh: cho tất cả bối cảnh nền, diễn viên quần chúng “đứng hình”, bất động trong một lúc để chỉ tập trung vào lột tả cuộc giằng xé nội tâm mạnh mẽ của người thanh niên Lý Tự Trọng khi chứng kiến cảnh nhân dân mình lầm than, cay đắng trong thân phận nô lệ.
Dàn nghệ sĩ ngôi sao của nhà hát như Quang Trọng (vai Lý Tự Trọng), Thanh Sơn (Bảy thẹo), Chí Huy (luật sư thân Pháp), Lệ Quyên và Thùy Trang (cùng vai Phương), Đức Khuê (người hát xẩm), Nguyệt Hằng (Má Hai)… cũng là yếu tố hấp dẫn khán giả trẻ.
Một điều ngạc nhiên với khán giả khi xem vở kịch này đó là được gặp một Lưu Quang Vũ khác, không phải một Lưu Quang Vũ sâu sắc trong các vở kịch xã hội đương đại thời ông sống vẫn “đốt cháy” sân khấu suốt mấy chục năm qua như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm?, Tin ở hoa hồng, Ông không phải là bố tôi…
Sống mãi tuổi 17 là một vở kịch về đề tài cách mạng, khai thác bối cảnh đất nước ta trong giai đoạn lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trước.
Nhân vật trung tâm là Lý Tự Trọng – người thanh niên trẻ tuổi sớm được giác ngộ cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng.
Anh đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản trong nước.
Công chúng hôm nay càng ngạc nhiên hơn khi được biết rằng đây chính là vở kịch đầu tay của Lưu Quang Vũ, viết theo “đặt hàng” của Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1979.
Và từ vở kịch đầu tay thành công về đề tài cách mạng này đã mở ra một sự nghiệp viết kịch bùng nổ trong 10 năm của Lưu Quang Vũ với 50 kịch bản xuất sắc về đề tài đương đại mà tới nay vẫn chưa có người vượt qua.
Đạo diễn Sĩ Tiến cho rằng những thông điệp – ý nghĩa của vở diễn đến nay vẫn còn nguyên giá trị với thanh niên, khi mà rất nhiều bạn trẻ vẫn còn đang trăn trở trong hành trình nhận diện mục đích và lý tưởng sống đúng đắn cho riêng mình.
“Vở diễn được dàn dựng với mục đích truyền cảm hứng, lý tưởng, ý chí quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh, trọng trách của thế hệ thanh niên Việt Nam trước Tổ quốc hôm nay và mai sau”, ông Tiến nói.